Hôm nay chúng tôi xin kể lại một câu chuyện đội ngũ huấn luyện viên đã được trải nghiệm, nó là nỗi trăn trở của nhiều bậc cha mẹ khi đến với chúng tôi để được tư vấn có nên cho con đi học võ hay không, và nên chọn hình thức gia sư hay lớp phong trào, lớp chất lượng cao hay lớp thường.

Nỗi trăn trở của phụ huynh là gì?

“Con chị nó thông minh lắm em, nhưng mỗi tội nó hiếu thắng và hay trêu chọc bạn bè, chị cũng có tìm hiểu các môn võ, chị biết học võ mà nếu gặp đúng thầy đúng thuốc thì tính cách của con sẽ nhu hơn.” ( Chị Thương, phụ huynh em Ngô Thế Thành  (6 tuổi)).

Nhắc đến tính hiếu thắng thì các bậc bố mẹ người khóc người cười, nhiều lúc hiếu thắng một chút sẽ giúp con có động lực để đột phá, nhưng nếu để diễn biến tâm lý đó đi quá thì mọi thứ sẽ trở nên nguy hiểm trong cách ứng xử của con trẻ. Nghe tâm sự và nắm bắt tình hình về Thành ( sở thích, tính cách, cách học), chúng tôi chọn giáo dục con bằng thi đấu đối kháng, đây là trích bài viết của HLV Nguyễn Gia Linh, ghi lại nhật ký huấn luyên đặc biệt cho trẻ.

“Tôi từng nói Karatedo hay bất cứ một môn võ nào đó đều là một phép ánh xạ cuộc sống thực của chúng ta. Đây là quan điểm cá nhân thông qua những trải nghiệm tôi nhận được từ quá trình tập luyện và huấn luyện. Hôm nay tôi muốn nói về vấn đề luyện ý chí trong các trận đấu.
Những võ sinh của tôi khi đứng trước sàn đấu thường chia làm 2 kiểu.
Kiểu 1: Thích lên sàn thi đấu.
Kiểu này lại phân ra 2 kiểu nhỏ, một là các con thích thi đấu vì cảm thấy hay, hai là các con thi đấu vì tính hiếu thắng và muốn thể hiện.
Kiểu 2: Nói đến thi đấu là chỉ muốn “ném găng” và chạy.
Kiểu này cũng chia ra hai kiểu nhỏ, một là sợ đánh, hai là không tự tin ở bản thân.
Dù kiểu nào thì vẫn phải điều chỉnh tính cách của các con.
Nếu là các con đấu vì hiếu thắng và muốn thể hiện tôi sẽ chọn các đối thủ theo 3 cấp độ về mặt kỹ thuật cho 3 trận đấu liên tiếp ( có giãn nghỉ giữa giờ)
1. Kỹ thuật không tốt so với con -con có cơ hội chiến thắng cao.
2. Nhỉnh hơn con một chút – cơ hội chiến thắng thấp hơn.
3. Hoàn toàn vượt xa các con về mặt kỹ thuật – cơ hội chiến thắng của con gần như 0%.
Với các đối thủ như thế này trong quá trình thi đấu.
Trận 1: Con thắng, con sẽ cảm thấy rất khoái chí – lúc này bản thân con sẽ được kích thích tính hiếu thắng, rất vui, rất thăng hoa.
Trận 2: Độ khó sẽ tăng ( hãy nói với các con điều này trước lúc thi đấu), con sẽ ý thức được rằng con phải cố gắng nhiều hơn, chiến thắng k hề dễ dàng như con nghĩ, và thua thì tinh thần của con không bị tổn thương nghiêm trọng.
Trận 3: Độ khó tăng cao hơn ( hãy nói với con để con ý thức được trước lúc thi đấu), chắc chắn con sẽ cố gắng tốt hơn và có thể hung hăng hơn nữa. Trận này hãy chọn đối thủ để con “chắc thua”. Con hoàn toàn được chuẩn bị tâm lý và không bị sốc khi thua trận, cũng như con nhận ra rằng vị trí của mình ở đâu và mình phải cố gắng hơn.
Trong quá trình thi đấu, hãy quan sát tâm lý của con, và chúng ta nên chuẩn bị quá trình an ủi con.
Nếu tâm lý của con mất bình tĩnh và hung hăng, hãy giáo dục con một võ sĩ muốn thắng trận sẽ phải THẮNG BẢN THÂN MÌNH trước, và cách để thắng bản thân mình chính là giữ BÌNH TĨNH – làm chủ cảm xúc trước đối thủ.

Võ sinh Ngô Thế Thành và Lê Minh Tùng trong lúc thi đấu.

Nếu có tỏ ra suy sụp, buồn rầu, thậm chí khóc, hãy giáo dục con rằng BẢN LĨNH rất quan trọng trong võ thuật và cuộc sống, nếu là võ sĩ đạo, phải vượt qua được nỗi buồn và chiến đấu hết mình.
Hãy kể cho con nghe những câu chuyện về vượt khó khăn, vượt ý chí.
Võ đường Thiên Long Dương có phiếu khen, sau khi giáo dục và các con hiểu, HLV sẽ ghi phiếu khen cho con, động viên, khích lệ con để con trau dồi đạo đức.
Quan điểm giáo dục trẻ của tôi – mọi thứ phải từ từ – để tính cách các con hoàn thiện- chúng ta – những ng làm giáo dục chẳng có cách nào ngoài kiên trì và yêu thương các con như những đứa con ngoan!

Đấy là cách Thiên Long Dương dùng võ thuật để huấn luyện nhân cách cho các con.”
Rất mong được sự góp ý của các phụ huynh.

Cảm ơn và trân trọng.
Osu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *